BẢO VỆ VÀ CHĂM SÓC BANH BÓNG RỔ.
Khi sở hữu một trái banh, có một điều chắc hẳn ai cũng muốn, đó là giữ cho banh bền nhất có thể. Trong bài viết này, Rain Bu xin mách bạn một số bí quyết bảo vệ và chăm sóc banh bóng rổ.
1. Ghi tên lên banh: Một ký hiệu hay chữ viết tắt tên riêng có thể rất hữu dụng khi một baller chẳng may lạc mất trái banh hay bị người khác cầm nhầm.
2. Tránh banh bị lồi lõm.
Nếu banh chẳng may bị đè mạnh hoặc bị một vật nhọn (góc cạnh) lún vào trong thời gian dài, thì chia buồn với các baller, banh đã bị mọc sừng. :( . Vì thế, để tránh tình trạng này, chúng ta không nên ngồi lên banh, dùng mũi chân đá banh hay kẹp banh quá lâu ở trên những xe có khoảng trống hẹp.
Sử dụng balo hay túi chuyên dụng để đựng banh sẽ tốt hơn rất nhiều.
3. Đúng banh, đúng sân, đúng thời điểm.
Về tổng quan, banh bóng rổ thì chỉ nên dùng để chơi bóng rổ, vì nó vốn được phát minh cho môn thể thao này. Nếu dùng banh sai mục đích như lấy banh bóng rổ để đá hay chơi bóng chuyền thì tay hoặc chân sẽ có thể cảm thấy đau điếng đấy nhé hiuhiu. Nhưng trong thế giới bóng rổ, có rất nhiều loại banh với chất liệu và mục đích khác nhau.
a. Đối với banh da
Đối với những loại banh da cao cấp, xịn xò, nếu các đồng ball chỉ thấy chữ Indoor hoặc có thông tin về banh, hãy ưu tiên chọn những sân trong nhà để đảm bảo độ bền của lớp da mềm mại ấy nhé.
b. Đối với banh chất liệu tổng hợp
Một số loại banh tuy được làm bằng chất liệu tổng hợp để có thêm lựa chọn về giá cả cho người tiêu dùng nhưng mục đích vẫn chỉ là sử dụng cho sân trong nhà. Vì vậy nên chữ “Indoor”, “Outdoor” hay “Indoor/Outdoor” trên banh là kim chỉ nan hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, có rất nhiều loại banh sở hữu chất liệu như da tổng hợp hay vật liệu tổng hợp rất tốt cho việc sử dụng ở nhiều mặt sân hơn. Nhưng chúng ta vẫn cần hết sức cẩn thận với những mặt sân quá xấu, vì khó có trái banh nào có thể chịu mài mòn tốt sau khi chạm vào những bề mặt xù xì, lồi lõm.
c. Đối với banh cao su
Đối với banh cao su, chúng ta cũng cần lưu ý như hai loại banh trên, vì lớp gai của loại banh này chỉ bền bỉ nếu các baller chơi ở mặt sân đẹp.
4. Thời tiết là kẻ thù số 1.
Dù là loại banh nào, anh chị em hãy cố gắng giữ banh trong tình trạng tốt nhé. Banh nên được để ở nơi khô, thoáng mát với nhiệt độ phòng (thường từ 18-23 độ C). Khi chơi banh cũng như cất banh, mọi người hãy tránh để banh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, nhiệt độ quá cao hay các yếu tố thời tiết khắc nghiệt khác. Ngoài ra, điều mà baller cũng muốn nói không chính là “ngâm banh” vì việc này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, việc lau chùi bụi bẩn, vệ sinh banh bằng những vật dụng quen thuộc như khăn ướt hoặc vải ẩm cũng sẽ giúp banh giữ được độ bền và ngoại hình lâu hơn.
5. Độ căng hợp lí là vô cùng cần thiết.
Với những quả banh chất lượng cao được sản xuất tỉ mỉ, những thông số về áp suất hơi bơm vào đều được ghi rõ trên bề mặt của banh. Nhưng nếu không có những thông tin trên, mọi người có thể áng chừng, ước lượng bằng cách đặt ra chỉ tiêu “⅔” tức là khi thả banh từ trên cao xuống đất, banh phải nảy lên được ⅔ so với quãng đường banh chạm đất ban đầu. Ví dụ: khi thả banh từ vùng ngực, banh cần phải nảy lên ngang hông hoặc trên hông một chút. Tuy nhiên, tùy theo loại banh mà chúng ta cần có cảm nhận riêng để banh không quá căng hay quá mềm. Trong quá trình bảo quản banh, mọi người nên thỉnh thoảng bơm lại bóng một chút. Khi bơm bóng, hãy lưu ý một số chi tiết nhỏ nhưng vô cùng quan trọng như sau nhé:
- Giữ chắc kim bơm bóng khi cho vào lỗ bơm hơi.
- Bơm đúng áp suất theo thông số của nhà sản suất
- Bơm từ tốn để tránh tình trạng hư hỏng trên banh.
Vừa rồi là những bí quyết chăm sóc trái banh thân yêu mà Rainbu muốn chia sẻ với tất cả mọi người. Hy vọng với những gợi ý này, mọi người sẽ có thể bảo quản banh tốt.